Đông xưởng Xưởng vệ

Đông xưởng (東廠; Xưởng phía đông), tên đầy đủ Đông tập sự xưởng (東緝事廠) được thành lập dưới thời Minh Thành Tổ. Vốn lên ngôi bằng cách cướp ngai vàng của người cháu, Minh Thành Tổ cũng đa nghi không kém gì Minh Thái Tổ vì vậy để trấn áp các lực lượng chính trị chống đối, vị hoàng đế này quyết định thành lập Đông xưởng vào năm 1420 để bí mật giám sát các quan lại trong triều đình, các tướng lĩnh trong quân đội, các quan viên bên ngoài, các học giả có tiếng trong xã hội. Đông xưởng do một hoạn quan đứng đầu với chức danh đầy đủ là Khâm sai tổng đốc Đông xưởng quan giáo biện sự thái giám (欽差總督東廠官校辦事太監) gọi tắt là Đề đốc Đông xưởng (提督東廠) hay Xưởng công (廠公), Đốc chủ (督主). Viên hoạn quan đứng đầu nổi tiếng là Ngụy Trung Hiền. Dưới Xưởng công, đặc vụ của Đông xưởng được chia làm 8 cấp khác nhau. Bên trong Đông xưởng người ta cho dựng tượng Nhạc Phi để nhắc nhở các đặc vụ không được gây ra án oan.

Ngụy Trung Hiền còn có năm người con nuôi là: Thôi Trình Tú (Thượng thư bộ binh); Hứa Hiển Đồn (Trấn phủ ty Đông xưởng); Khách Quang Tiên (客光先) (Thiên hộ cẩm y vệ); và còn 2 người con nuôi nữa một là Điền Nhị Canh còn một người không rõ tên. Tất cả đều được Ngụy Trung Hiền sử dụng làm tay sai để tiêu diệt phái Đông Lâm và những người chống đối.

Kết quả điều tra của Cẩm y vệ được báo cáo trực tiếp lên hoàng đế. Dựa theo kết quả điều tra, Đông xưởng có đặc quyền bắt giam, tra tấn và thậm chí là kết án không cần qua xét xử thông thường. Do đặc quyền này nên về sau, đặc vụ Đông xưởng bắt đầu phát sinh tệ nạn, nếu không đàn áp dã man các lực lượng đối lập thì cũng vì mưu lợi cá nhân mà nhũng nhiễu phạm nhân. Khét tiếng vì những hình phạt tra tấn tàn ác, Đông xưởng được cho là đã tạo nên rất nhiều vụ án oan trong giới quan lại và cả dân chúng.